Trốn tránh cách ly y tế; vi phạm về kiểm dịch y tế biên giới; làm lây lan dịch bệnh Covid 19 có bị phạt tiền và phạt tù không ?
Tại Việt Nam, tính đến ngày 18/3/2020 ghi nhận có 68 trường hợp mắc COVID 19, trong đó có 16 trường hợp đã điều trị khỏi và ra viện, 52 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.Theo đó hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các cấp, các ngành, các địa phương đã được triển khai tích cực và đạt những kết quả ban đầu, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao.
Tuy nhiên, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát một phần cũng bởi nguyên nhân người dân chưa có ý thức về khai báo và cách ly. Đây là quy định bắt buộc của pháp luật và khi vi phạm có thể sẽ bị phạt tù lên đến 12 năm. Mức xử phạt này xảy ra khi biết mình có bệnh nhưng vẫn cố ý lây lan sang người khác để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Quy định này được cụ thể hóa tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
- c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
- a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
- b) Làm chết người.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
- a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
- b) Làm chết 02 người trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên thực tế, những người trốn tránh cách ly tại Việt Nam vì sợ ảnh hưởng đến công việc và nhiều lý do liên quan đến quyền lợi bản thân … nhưng không có mong muốn lan truyền dịch bệnh cho cộng đồng, vì vậy chế tài về cơ bản chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính.
Quy định về xử phạt hành chính, quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực y tế. Mức xử phạt với trường hợp trốn tránh, gian dối, không tuân thủ cách ly y tế có thể lên tới 20 triệu đồng tùy trường hợp. Quy định này được cụ thể hóa tại Điều 10 và 12 Nghị định nói trên, cụ thể:
Điều 10. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
- b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
- c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật;
- d) Thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
- b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
Điều 12. Vi phạm quy định về kiểm dịch y tế biên giới
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định;
- b) Từ chối kiểm tra y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Không chấp hành hướng dẫn thực hiện kiểm tra thực tế của kiểm dịch viên y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế;
- b) Không báo tín hiệu xin kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật đối với chủ phương tiện vận tải đường thủy nhập cảnh;
- c) Không thực hiện biện pháp chống chuột và trung gian truyền bệnh khác trên phương tiện vận tải khi các phương tiện đó đỗ, neo đậu vào ban đêm hoặc quá 24 giờ tại khu vực cửa khẩu, khu vực kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật;
- d) Không liên lạc bằng vô tuyến điện cho tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tại cửa khẩu trước khi tàu bay hạ cánh trong trường hợp hành khách hoặc phi hành đoàn trên chuyến bay có triệu chứng hoặc có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy chứng nhận kiểm dịch y tế;
- b) Vận chuyển thi hài, hài cốt, tro cốt, chế phẩm sinh học, vi trùng, mô, bộ phận cơ thể người, máu và các thành phần của máu qua cửa khẩu mà chưa được tổ chức kiểm dịch y tế kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế;
- c) Che giấu hoặc xóa bỏ hiện trạng phải kiểm dịch y tế.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Không thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải, hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
- b) Giả mạo giấy chứng nhận kiểm dịch y tế.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
- a) Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải, hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này;
- b) Buộc tiêu hủy giấy chứng nhận kiểm dịch y tế biên giới đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 3 và Điểm b Khoản 4 Điều này.
Với các thông tin trên, Công ty Luật FDVN Quảng Ngãi mong rằng các bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về các quy quy định xử phạt trong việc cách ly y tế; về quy định về kiểm dịch y tế biên giới; về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, từ đó nâng cao ý thức của chính bản thân và chung tay phòng, chống dịch Covid – 19 trong tình hình hiện nay.
Công ty Luật TNHH MTV FDVN – Chi nhánh Quảng Ngãi xin chúc các bạn luôn có sức khỏe và bình an!