BẢN ÁN TUYÊN BỐ DI CHÚC VÔ HIỆU

Tình huống:

Cụ Võ Thị N1 (tên gọi khác: C2), chết năm 2015 và cụ Lê C1, chết năm 1965. Cha mẹ bà có 07 người con là: Lê Văn C3 (chết năm 1971, chưa có vợ con); Lê Văn B2 (chết năm 1974, chưa có vợ con); Lê Thị P; Lê Thị H; Lê Thị S; Lê Thị B và Lê Thị T. Nguyên thửa đất số 203, tờ bản đồ số 11, diện tích 100m2, tại xã Đ, huyện M, tỉnh Quảng Ngãi là thửa đất mà cụ N1 được Nhà nước cấp năm 1996. Năm 2005 Ủy ban nhân dân huyện Mộ Đức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất nêu trên cho cụ N1. Việc cụ N1 lập di chúc để lại thửa đất trên cho bà Lê Thị P vào ngày 22/01/2015 bà hoàn toàn không biết. Tuy nhiên, tại thời điểm cụ N1 lập di chúc thì cụ N1 đã 94 tuổi, đang bị bệnh nặng, không còn minh mẫn và cụ N1 cũng không đến Ủy ban nhân dân xã Đ để lập di chúc trước mặt người có thẩm quyền chứng thực; bà Trần Thị Lệ H (là công chức Tư pháp – Hộ tịch xã Đ) lập nhưng trong di chúc không có chữ ký của bà H. Ngoài ra, tại thời điểm cụ N1 lập di chúc thì thửa đất 203, tờ bản đồ số 11 đang có tranh chấp nên cụ N1 không thể lập di chúc để thừa kế lại cho bà P được. Bà cho rằng di chúc của cụ N1 là giả mạo, không đúng với ý chí của cụ N1 nên yêu cầu Tòa án tuyên bố di chúc của cụ Võ Thị N1 (Cưu), được Ủy ban nhân dân xã Đ chứng thực ngày 22/01/2015 vô hiệu. Bà chỉ yêu cầu Tòa án tuyên bố di chúc vô hiệu, không yêu cầu chia thừa kế và cũng không có yêu cầu gì khác.

Nhận định của Hội đồng xét xử:

[1] Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và trình bày của các bên đương sự trong quá trình giải quyết vụ án, có căn cứ xác định: Thửa đất số 203, tờ bản đồ số 11, diện tích 100m2 , tại xã Đ, huyện M, tỉnh Quảng Ngãi là thửa đất mà cụ Võ Thị N1 được Nhà nước cấp năm 1996. Năm 2005 Ủy ban nhân dân huyện Mộ Đức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất nêu trên cho cụ Võ Thị N1. Ngày 22/01/2015, cụ Võ Thị N1 có điểm chỉ vào di chúc để lại thửa đất trên cho bà Lê Thị P được trọn quyền quản lý, sử dụng để làm nhà thờ cúng liệt sĩ chồng và hai con, không được mua bán, chuyển nhượng. Di chúc này được Ủy ban nhân dân xã Đ chứng thực ngày 22/01/2015.

[2] Căn cứ lời khai của những người làm chứng như bà Trần Thị Lệ H, ông Đoàn Văn B1 trong quá trình giải quyết vụ án, có căn cứ xác định: Ngày 22/01/2015 ông Đoàn Văn B1 (lúc này đang giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đ) có cử bà Trần Thị Lệ H (là công chức Tư pháp – Hộ tịch xã Đ) đến nhà của bà Lê Thị B để soạn thảo di chúc cho cụ Võ Thị N1; cử ông Nguyễn Tấn T2 (là Thanh tra nhân dân xã Đ) và bà Nguyễn Thị Minh T3 (là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đ) đến nhà bà B để làm chứng việc lập di chúc của cụ N1. 6

[3] Tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ quy định: “Người làm chứng do người yêu cầu công chứng, chứng thực chỉ định; nếu họ không chỉ định được hoặc trong trường hợp khẩn cấp, thì người thực hiện công chứng, chứng thực chỉ định người làm chứng”. Tuy nhiên, tại thời điểm cụ Võ Thị N1 lập di chúc thì cụ N1 không thuộc trường hợp không chỉ định được người làm chứng hoặc thuộc trường hợp khẩn cấp, nhưng người có thẩm quyền chứng thực là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đ lại chỉ định người làm chứng việc lập di chúc cho cụ N1 là không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ.

[4] Tại khoản 1 Điều 40 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ quy định: “Các quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng tại Mục I của Chương này được áp dụng đối với việc công chứng, chứng thực tất cả các hợp đồng, giao dịch được công chứng, chứng thực theo quy định của Nghị định này”; tại khoản 1 Điều 42 Mục I Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ quy định: “Người yêu cầu công chứng, chứng thực có thể đề nghị người thực hiện công chứng, chứng thực soạn thảo hợp đồng. Người yêu cầu công chứng, chứng thực tuyên bố nội dung của hợp đồng trước người thực hiện công chứng, chứng thực. Người thực hiện công chứng, chứng thực phải ghi chép lại đầy đủ nội dung mà người yêu cầu công chứng, chứng thực đã tuyên bố; nếu nội dung tuyên bố không trái pháp luật, đạo đức xã hội, thì soạn thảo hợp đồng”. Tuy nhiên, theo trình bày của bà Trần Thị Lệ H tại biên bản làm việc ngày 30/7/2020 thể hiện: Ngày 22/01/2015 bà H là người ghi chép nội dung di chúc cho cụ N1 tại nhà của bà Lê Thị B, nhưng không phải toàn bộ nội dung di chúc ngày 22/01/2015 đều do cụ N1 đọc cho bà H ghi mà còn có một số nội dung bà H ghi dựa trên nội dung bà Lê Thị B đã soạn sẵn. Như vậy, có căn cứ xác định nội dung di chúc do cụ N1 điểm chỉ vào ngày 22/01/2015 không được soạn thảo đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ.

[5] Ngoài ra, theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ thì: “1. Việc ký, điểm chỉ của người yêu cầu công chứng, chứng thực phải được thực hiện trước mặt người thực hiện công chứng, chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Việc ký, điểm chỉ của người làm chứng phải được thực hiện trước mặt người thực hiện công chứng, chứng thực và người yêu cầu công chứng, chứng thực”. Tuy nhiên, theo trình bày của các đương sự và những người làm chứng trong quá trình giải quyết vụ án đều thể hiện: Ngày 22/01/2015 người lập di chúc là cụ Võ Thị N1 và những người làm chứng đều không ký, điểm chỉ trước mặt người có thẩm quyền chứng thực là ông Đoàn Văn B1. Việc ký, điểm chỉ của cụ N1 cũng không thuộc trường hợp pháp luật có quy định khác nhưng cụ N1 và những người làm chứng đã không thực hiện việc ký, điểm chỉ trước mặt người có thẩm quyền chứng thực là không đúng theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ. [2.6] Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ thì người thực hiện công chứng, 7 chứng thực có nhiệm vụ “Giải thích cho người yêu cầu công chứng, chứng thực hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng, chứng thực”. Tuy nhiên, theo trình bày của các đương sự và những người làm chứng thì ngày 22/01/2015, người có thẩm quyền chứng thực di chúc là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đ, cũng như công chức Tư pháp – Hộ tịch xã Đ đã không thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

[7] Như đã nhận định ở phần trên, bản di chúc do cụ Võ Thị N1 điểm chỉ ngày 22/01/2015, được Ủy ban nhân dân xã Đ chứng thực ngày 22/01/2015 không được lập và chứng thực đúng theo trình tự, thủ tục được quy định tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ nên bản di chúc nêu trên là không hợp pháp. Vì vậy, bà Lê Thị T yêu cầu tuyên bố di chúc do cụ Võ Thị N1 điểm chỉ ngày 22/01/2015, được Ủy ban nhân dân xã Đ chứng thực ngày 22/01/2015 vô hiệu là có căn cứ, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[8] Về giải quyết hậu quả của di chúc vô hiệu: Trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, các đồng thừa kế của cụ Võ Thị N1 đều không có yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của di chúc vô hiệu, không yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ N1 theo quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Chi tiết bản án: Ban_an_DSST_so_11_ngay_28_8_2020_tranh_chap_tuyen_bo_HDCC_vo_hieu

 

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN – CHI NHÁNH QUẢNG NGÃI

Hotline: 0255.3817.579/0917.135.269

Email: luatsuquangngai.net@gmail.com

Hoặc inbox trực tiếp vào fanpage: Luật sư FDVN Quảng Ngãi.

 

 

 

 

 

 

 

.
.
.
.