Hợp đồng không đóng dấu công ty, giá trị pháp lý thế nào?

Trong hoạt động của nhiều công ty, khi người đại diện theo pháp luật tiến hành xác lập giao dịch dân sự thông qua hình thức hợp đồng với danh nghĩa của công ty thì cần đến cả thủ tục ký tên và đóng dấu. Xong, cũng có công ty việc xác lập hợp đồng chỉ thực hiện thủ tục ký tên của người đại diện theo pháp luật mà không có con dấu công ty. Câu hỏi đặt ra, hợp đồng không được đóng dấu công ty thì có có giá trị pháp lý hay không?

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu với hình thức và nội dung như nhau. Trước đây theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, việc thông báo mẫu dấu là thủ tục bắt buộc hiện nay. Tuy nhiên Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định trên. Như vậy, từ ngày 01/01/2021, doanh nghiệp sẽ không cần thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu.

Tại khoản 3 điều 43 Luật Doanh Nghiệp 2020 có quy định:

“Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.”

Luật Doanh nghiệp 2014 hiện đang cho phép con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu. Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng công ty không bắt buộc sử dụng con dấu trong các văn bản, giao dịch, hợp đồng sẽ không làm ảnh hưởng tới giá trị của giao dịch mà công ty đã xác lập, thực hiện. Nhưng từ ngày 01/01/2021, hai bên trong giao dịch sẽ không được thỏa thuận về việc sử dụng con dấu mà chỉ được sử dụng con dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

Theo quy định pháp luật hiện hành, những trường hợp phải có đóng dấu của công ty bao gồm:

+ Sổ kế toán (sổ dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán) phải ghi rõ tên đơn vị kế toán; tên sổ; ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; số trang; đóng dấu giáp lai. (Khoản 2 Điều 24 Luật Kế toán 2015);

+ Theo Thông tư 133/2016/TT-BTC, đối với sổ kế toán dạng quyển: sổ kế toán phải đánh số trang từ trang đầu đến trang cuối, giữa hai trang sổ phải đóng dấu giáp lai của đơn vị kế toán; đối với sổ tờ rời: các tờ rời trước khi dùng phải được giám đốc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền ký xác nhận, đóng dấu và ghi vào sổ đăng ký sử dụng sổ tờ rời.

Nhìn chung, những trường hợp cần đóng dấu của công ty là trường hợp liên quan đến sổ kế toán. Pháp luật không đề cập hợp đồng nào cần có đóng dấu của công ty, do vậy trong hợp đồng có giá trị pháp lý mà không cần đóng dấu của công ty, miễn nội dung tuân thủ quy định pháp luật.

.
.
.
.