Như đã đề cập ở bài viết kì trước, mang thai hộ là quy định mới trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (Luật HNGĐ), đây là một bước đột phá trong công tác lập pháp và nhân đạo – mở ra niềm hy vọng mới cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh và hiếm muộn. Theo thống kê, hàng năm nước ta có khoảng 500-700 cặp vợ chồng hiếm muộn có nhu cầu nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Nhưng trong thực tế, nhu cầu trong xã hội cao hơn con số thống kê 500 – 700 rất nhiều lần. Để có thể nhờ người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì những cặp vợ chồng phải thực hiện đầy đủ các điều kiện – thủ tục để được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một vấn đề không thật sự đơn giản trong bối cảnh theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình 2014. Để tìm hiểu rõ vấn đề và vướn mắc trên ta cần tìm hiểu quy định điều kiện và thủ tục mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là như thế nào?
1/ Điều kiện mang thai hộ.
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
1.1/ Điều kiện đối với người nhờ mang thai hộ.
– Theo quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có 3 điều kiện cơ bản cụ thể:
“2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.”
– Bên cạnh đó, theo Nghị định 10/2015 NĐ/CP có quy định cụ thể nội dung tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý cho vợ chồng người mang thai hộ từ Điều 15 đến Điều 17, cụ thể:
- Khoản 1 Điều 15 quy định nội dung tư vấn y tế:
+ Các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi;
+ Quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ;
+ Các khó khăn khi thực hiện mang thai hộ…
- Điều 16 quy định nội dung tư vấn pháp lý: Xác định cha mẹ con trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
- Khoản 1 Điều 17 quy định nội dung tư vấn tâm lý: Các vấn đề về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ, người thân và bản thân đứa trẻ sau này; người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ đứa bé sau sinh; tâm lý, tình cảm khi nhờ người mang thai và sinh con…
Lưu ý: Các quy định từ Điều 15 đến 17 Nghị định 10/2015/NĐ-CP là các nội dung tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý cho bên nhờ người mang thai hộ và cả bên được nhờ mang thai hộ.
1.2/ Điều kiện đối với người được nhờ mang thai hộ.
Theo khoản 3 Điều 95 Luật hôn nhân gia đình 2014 được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau:
“3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợpvà có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợpngười phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.”
Ngoài ra cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng được quy định tại Điều 13 Nghị định 10/2015 quy định:
– Có ít nhất 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh liên qua đến thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; chưa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
– Bệnh viện đủ điều kiện thực hiện kỹ thật mang thai hộ: Bệnh viện phụ sản trung ương; Bệnh viện Đa khoa trung ương thuế;viện phụ sản Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh.
=> Trong các điều kiện mang thai hộ nêu trên, Điều kiện người mang thai hộ đáng quan tâm nhất là “người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ”. Có thể nói niềm hy vọng có con dường như không còn thực sự rộng mở khi bị vướng mắc điều kiện này:
– Để tìm người cùng hàng nhờ mang thai hộ rất khó khả thi với nhiều cặp vợ chồng và thường gặp phải các trường hợp như:
+ Là người thân không cùng hàng với bên vợ hoặc bên chồng;
+ Người đáp ứng được điều kiện cùng hàng với bên vợ hoặc bên chồng thì lại chưa đủ tuổi, quá tuổi hoặc không đủ điều kiện về sức khỏe sinh sản theo yêu cầu;
+ Người mang thai hộ đáp ứng được hai yêu cầu trên, có quan hệ huyết thống lại nằm ngoài phạm vi ba đời.
※ Những khó khăn trên thôi thúc làm phát sinh suy nghĩ tìm người mang thai hộ vì mục đích thương mại, mặc dù biết đó là hình thức mang thai hộ không được nhà nước công nhận. Từ đó dẫn đến nhiều rủi ro cho người mang thai hộ cũng như bên mang thai hộ: Mang thai hộ xong người phụ nữ mang thai hộ không muốn giao em bé lại sau khi đẻ; em bé nhờ đc mang thai hộ đã được sinh ra và người nhờ mang thai hộ không nhận nữa; vợ chồng nhờ người mang thai hộ ly hôn giữa chừng và em bé sẽ như thế nào… Và rất nhiều vấn đề pháp lý khác.
2/ Thủ tục nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
2.1/ Thỏa thuận về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Thỏa thuận về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa bên mang thai hộ và bên được mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng bao gồm các nội dung cơ bản như: Thông tin đầy đủ của hai bên, cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ của các bên; việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời kì mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ và quyền nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền nghĩa vụ khác có liên quan; trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận.
2.2/ Hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
Trên cơ sở thỏa thuận và tự nguyện của hai bên, người nhờ mang thai hộ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 10/2015/ NĐ – CP và gửi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật gồm:
1) Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này;
2) Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này;
3) Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
4) Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
5) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
6) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này và từng sinh con;
7) Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
8) Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
9) Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
10) Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
11) Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
12) Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.”
Trên đây là các quy định về điều kiện và thủ tục mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân gia đình và các Điều từ Điều 13 đến Điều 17 Nghị định 10/2015 NĐ-CP.
CÔNG TY LUẬT TNHH MTV FDVN – CHI NHÁNH QUẢNG NGÃI
Địa chỉ : số 359 Nguyễn Du, phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi
Email : luatsuquangngai.net@gmail.com
Điện thoại : 02553 817 579